Translate Here

Sunday, June 23, 2013

Ý nghĩa biển số xe tại Việt Nam

Biển trắng, biển xanh, biển đỏ... mỗi biển số xe đều có quy định và ý nghĩa riêng. Những thông tin sau (dù chưa phải là thống kê đầy đủ) sẽ giúp bạn phân biệt đa số các loại biển số xe đang lưu hành.


Mỗi chiếc ôtô, xe máy lưu hành tại Việt Nam cũng như trên thế giới đều phải tuân thủ các quy định riêng. Những đặc điểm về màu sắc, chữ số của biển số sẽ phản ánh nguồn gốc cũng như thông tin về chủ sở hữu hoặc đơn vị quản lý chiếc xe.
 
Mỗi biển số xe đều có một ý nghĩa riêng.

- Biển số có màu xanh chữ trắng là biển xe của các cơ quan hành chính sự nghiệp

- Biển số màu đỏ dành riêng cho xe quân đội. Riêng xe của các doanh nghiệp quân đội mang biển số 80K màu trắng. Bên cạnh đó, với biển số quân đội, 2 chữ cái đầu tiên là viết tắt của đơn vị cụ thể quản lý chiếc xe.

Chữ A nghĩa là Quân đoàn, ví dụ AA là Quân đoàn 1, AB là Quân đoàn 2,...

Chữ B nghĩa là Bộ tư lệnh, ví dụ BB là BTL tăng thiết giáp, BTL là Binh chủng đặc công, BH là BTL hóa học, BP là BTL pháo binh...

Chữ H nghĩa là Học viện. VT là Viettel.

Chữ K nghĩa là Quân khu, ví dụ: KT - Quân khu Thủ đô, KA - Quân khu 1, KB - Quân khu 2, KC - Quân khu 3, KD - Quân khu 4, KV - Quân khu 5, KP - Quân khu 7, KK - Quân khu 9

Chữ T nghĩa là Tổng cục, TC tổng cục chính trị, TH Tổng cục Hậu cần,...

Chữ Q nghĩa là Quân chủng, QA là Quân chủng phòng không-không quân (trước đây, QP là quân chủng phòng không, còn QK là quân chủng không quân), QH là Quân chủng hải quân,...

- Biển số màu trắng với 2 chữ và 5 số là biển cấp cho các đối tượng có yếu tố nước ngoài. Trong đó, biển NG là xe ngoại giao, biển NN là xe của các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Trong 5 chữ số trên biển số, 3 số ở giữa là mã quốc gia, 2 số tiếp theo là số thứ tự. Xe số 80 NG xxx-yy là biển cấp cho các đại sứ quán, thêm gạch đỏ ở giữa và 2 số cuối là 01 là biển xe của Tổng lãnh sự (những xe này là bất khả xâm phạm và khi thay xe thì giữ lại biển để lắp cho xe mới).

- Biển số màu trắng cấp cho tư nhân và doanh nghiệp với 2 số đầu theo thứ tự các tỉnh, 4 hoặc 5 số cuối là số thứ tự cấp ngẫu nhiên.

Các xe thuộc sở hữu của các tổ chức, cá nhân, cơ quan ở các tỉnh, thành mang biển với số tương ứng tới quy định biển số của 64 tỉnh thành như sau:

11 - Cao Bằng
12 - Lạng Sơn
13 - Bắc Ninh và Bắc Giang (trước kia là tỉnh Hà Bắc, hiện đã bỏ nhưng còn một số xe cũ vẫn để biển này)
14 - Quảng Ninh
15, 16 - Hải Phòng
17 - Thái Bình
18 - Nam Định
19 - Phú Thọ
20 - Thái Nguyên
21 - Yên Bái
22 - Tuyên Quang
23 - Hà Giang
24 - Lào Cai
25 - Lai Châu
26 - Sơn La
27 - Điện Biên
28 - Hòa Bình
29, 30, 31, 32 - Hà Nội
34 - Hải Dương
35 - Ninh Bình
36 - Thanh Hóa
37 - Nghệ An
38 - Hà Tĩnh
43 - Đà Nẵng
47 - Đắc Lắc
48 - Đắc Nông
49 - Lâm Đồng
Từ 50 đến 59 - TP. Hồ Chí Minh
60 - Đồng Nai
61 - Bình Dương
62 - Long An
63 - Tiền Giang
64 - Vĩnh Long
65 - Cần Thơ
66 - Đồng Tháp
67 - An Giang
68 - Kiên Giang
69 - Cà Mau
70 - Tây Ninh
71 - Bến Tre
72 - Bà Rịa - Vũng Tàu
73 - Quảng Bình
74 - Quảng Trị
75 - Huế
76 - Quảng Ngãi
77 - Bình Định
78 - Phú Yên
79 - Khánh Hòa
80 - Các đơn vị kinh tế và quản lý thuộc Trung ương, các đại sứ quán, tổ chức quốc tế và nhân viên người nước ngoài...
81 - Gia Lai
82 - KonTum
83 - Sóc Trăng
84 - Trà Vinh
85 - Ninh Thuận
86 - Bình Thuận
88 - Vĩnh Phúc
89 - Hưng Yên
90 - Hà Nam
92 - Quảng Nam
93 - Bình Phước
94 - Bạc Liêu
95 - Hậu Giang
97 - Bắc Cạn
98 - Bắc Giang
99 - Bắc Ninh

Đi xe máy trời mưa và những kinh nghiệm để đời

Trước hết là hạn chế đi lại lúc trời mưa, tuy nhiên, đối với những nơi có mưa nhiều, bất chợt và thường xuyên như ở Việt Nam thì cách tốt nhất là bạn phải học cách thích nghi và ứng phó với bất kỳ rủi ro có thể xảy ra khi đi trên đường gặp mưa, đồng thời, còn đảm bảo cho xe bạn vận hành bền lâu tránh hỏng hóc do nước mưa gây ra.
Đội mũ bảo hiểm nào?
Hầu hết người điều khiển xe máy ở Việt Nam đều thích sử dụng mũ bảo hiểm nửa đầu cho nhẹ nhàng và thoáng gió, tuy nhiên, dưới trời mưa gió, mũ bảo hiểm kín đầu sẽ hữu ích hơn rất nhiều, vì thế bạn đừng ngại sử dụng nó.
Nếu mưa nặng hạt và có gió bão, loại mũ này sẽ bảo vệ bạn khỏi các chướng ngại vật có thể bay hoặc va đập vào mặt và mắt lúc đang chạy xe.

Mặc áo mưa loại gì?
Lựa chọn quần áo mưa phù hợp cũng rất quan trọng, đặc biệt là lúc trời mưa to. Vì những vị trí hở như cổ tay, cổ áo và những đường may đều có thể bị nước mưa thấm vào.
Thậm chí, với áo mưa dày dặn và găng tay dài thì nước vẫn có thể chảy vào qua cổ áo và cổ tay. Vì vậy, với những chuyến đi dài, bạn cần phải trang bị tốt hơn để bảo vệ bản thân và an toàn cho xe.
Kiểm soát độ bám đường ra sao?
Nước mưa sẽ làm cho mặt đường sạch hơn và ít ma sát hơn, nên xe bạn dễ bị trơn trượt và khả năng bám đường kém hơn bình thường.
Nếu sau khi đi mưa trên mặt đường lầy lội, chiếc xe bạn cần phải được rửa sạch bùn đất bám trên bánh xe giúp bám đường tốt hơn.
Ngoài ra, nước mưa có thể làm cho mặt đường xấu đi, ghồ ghề hoặc tạo lớp mặt trơn trượt. Tùy thuộc vào khả năng quan sát và đánh giá mặt đường mà bạn có thể xử lý hiệu quả hơn khi vận hành trên đường lúc trời mưa.
Cách dễ dàng nhất để kiểm tra độ bám mặt đường cho chiếc xe của bạn đó là sử dụng phanh sau một cách cẩn thận và dứt khoát ở các điểm khóa bánh trên mặt đường.
Không chỉ với lúc đường ướt mưa, mà cả với mặt đường khô ráo, bạn cũng nên kiểm tra phanh trước khi vận hành. Bạn phải phán đoán và đánh giá được khả năng và độ bám đường của xe với phanh sau.
Dễ nhận thấy nguy hiểm và rủi ro nhất là các đoạn đường đang sửa chữa, mặt vỉa hè vừa được lát, bề mặt bê tông sạch bóng hoặc mặt đường có dầu tràn, là những nơi mà bánh xe của bạn khó bám hơn.
Tốt hơn hết, với mặt đường ướt mưa, bạn không nên chạy xe ở vận tốc cao, nên duy trì vận tốc vừa phải và quan sát cẩn thận để ứng phó tốt hơn với các chướng ngại vật bất ngờ.
Nên thả lỏng cơ thế, không ghì quá mạnh vào tay lái, đồng thời sử dụng phanh liên tục để kiểm soát tốc độ. Tại các khúc cua nên giảm và tăng tốc từ từ.
Giữ khoảng cách an toàn thế nào?
Luôn duy trì khoảng cách an toàn với xe trước và sau. Theo thói quen, rất nhiều lái xe thường đi bám sát đuôi xe trước, vì thế khi xe trước báo rẽ hoặc dừng đột ngột sẽ xử lý không kịp.
Một cách để người khác có thể thấy tín hiệu của bạn đó là vẫy tay, vì trong điều kiện trời mưa, có thể tay lái phía sau không để ý đèn báo.
Đối với thời tiết mưa bão, lời khuyên hữu ích nhất là bạn không nên lái xe trên đường, đặc biệt là có sét.
Nếu có gió mạnh, thì việc lái xe cũng gần giống như chèo thuyền trên sóng vậy nên bạn phải vững tay vì có thể xe bạn sẽ bị đẩy nghiêng theo chiều gió.

5 “mẹo” đơn giản để tiết kiệm xăng cho ôtô

1. Giữ lốp đủ áp suất
 ô tô, tiết kiệm xăng, đổ xăng, tăng giá, mẹo, động cơ
Việc làm dễ dàng nhất để các lái xe thực hiện nhằm tiết kiệm nhiên liệu đó là bơm lốp đúng áp suất. Theo đánh giá của cơ quan năng lượng Mỹ, giữ áp suất đúng theo khuyến cáo của nhà sản xuất có thể tiết kiệm được 3% lượng tiêu hao nhiên liệu.
Ngược lại, chỉ cần áp suất giảm 0,07 atm, xe sẽ tốn xăng thêm 0,4%. Tức là bạn càng để lốp non thì lượng tiêu thụ nhiên liệu của xe càng cao.
2. Tắt động cơ khi chờ đèn đỏ quá lâu
ô tô, tiết kiệm xăng, đổ xăng, tăng giá, mẹo, động cơ
Cố gắng tránh để động cơ xe của bạn nhàn rỗi, đặc biệt là trong một khoảng thời gian dài. Trong trường hợp bạn không thể di chuyển được do phải chờ đợi đèn đỏ hay tắc đường quá lâu, thì tốt nhất bạn nên tắt hẳn động cơ xe để tiết kiệm nhiên liệu.
3. Thay hoặc vệ sinh bộ lọc khí
ô tô, tiết kiệm xăng, đổ xăng, tăng giá, mẹo, động cơ
Tình trạng bộ lọc không khí trong xe bị nghẽn sẽ gây tốn nhiên liệu. Theo EPA, thay thế bộ lọc không khí cũ trong xe của bạn sẽ cải thiện hiệu quả nhiên liệu lên tới 10%. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ tiết kiệm được gần 2 nghìn đồng với mỗi lít xăng.
4. Tắt điều hòa khi không cần thiết
ô tô, tiết kiệm xăng, đổ xăng, tăng giá, mẹo, động cơ
Nếu như thời tiết dễ chịu, người sử dụng nên tắt điều hòa. Việc này sẽ gúp tiết kiệm được năng lượng cho xe. Điều hoà không khí có thể tiêu tốn 10% nhiên liệu.
5. Chọn giờ và địa điểm đổ xăng
Mua xăng vào sáng sớm hoặc chiều tối khiến số xăng bạn mua ít bị hao vì đây là thời điểm xăng đặc nhất. Bên cạnh đó, khi có điều kiện, hãy đổ xăng ở những nơi có doanh số cao.
ô tô, tiết kiệm xăng, đổ xăng, tăng giá, mẹo, động cơ
Bởi vì các bồn chứa của họ thường xuyên được tái nạp, do đó bạn sẽ tránh được nguy cơ xăng bị nhiễm nước, rỉ sét hoặc các tạp chất khác. Xăng chất lượng kém sẽ vận hành hao hơn. Các cây xăng đông khách thường xuyên được giám định các vòi bơm, do đó không sợ bị bơm thiếu.
Ngoài ra, việc lái xe điềm tĩnh, quan sát giới hạn tốc độ, điều khiển chân ga, chân phanh hợp lí, không chở quá tải, sử dụng thiết bị cruise control hay lựa chọn những chiếc xe có mức tiêu thụ nhiên liệu thấp… cũng là những giải pháp giúp tiết kiệm nhiên liệu trong thời buổi giá xăng càng ngày càng tăng cao.

Sunday, May 26, 2013

Soi balô của ‘dân phượt’

Lăn lộn trên đường trường, khám phá miền quê thanh bình hay nơi thâm sơn cùng cốc… là thú vui của những ai ưa mạo hiểm. Để chuyến đi thực sự đáng nhớ, an toàn, hành trang không thể thiếu của “phượt thủ” là chiếc balô với đầy đủ vật dụng cần thiết.

Không gò bó như những tour du lịch ngắm cảnh, 'phượt' mang đậm phong cách khám phá và thỏa sức sáng tạo. Đi bất cứ đâu ta muốn, dừng khi ta cần, và ăn những gì ta thích. Chính vì đặc thù ấy mà các 'phượt thủ' phải tự mình lên kế hoạch chi tiết, vạch ra những cung đường lộ trình rõ ràng, và tự chuẩn bị phương tiện đi lại thuận tiện.


Cùng điểm mặt những vật dụng góp cho chuyến đi của teen thêm hoàn hảo.

 

Giấy tờ tùy thân


Chứng minh thư, bằng lái xe máy hay thẻ sinh viên là những giấy tờ quan trọng và hữu hiệu khi bạn tới bất kỳ vùng đất nào. Bạn có thể kiếm được một nơi tạm trú qua đêm hay nhờ giúp đỡ khi gặp sự cố. Hãy sẵn sàng mang theo hộ chiếu nếu bạn có ý định qua cửa khẩu sang Trung Quốc, Lào hay Campuchia... để trải nghiệm những khác biệt về văn hóa, truyền thống và phong tục tập quán. Trình hộ chiếu sẽ giúp bạn giải quyết thủ tục nhanh chóng và giảm chi phí thông hành.

 

Bản đồ


Một tấm bản đồ, sổ tay, bút nhớ, cùng thiết vị định vị hay một chiếc điện thoại gắn tính năng chỉ đường giúp chuyến đi thêm thuận lợi và tiết kiệm thời gian. Đặc biệt đắc lực khi vào đoạn đường vắng không có ai để hỏi đường. Các thiết bị điện tử có thể bị mất sóng khi bạn dấn sâu vào những cánh rừng ngút ngàn hay cheo leo trên những đồi núi hoang sơ, vì vậy, một tấm bản đồ sẽ phát huy tác dụng cho trường hợp này.

 

Ngân lượng


Thứ không thể bỏ quên. Tuy nhiên, không nên mang theo nhiều tiền mặt, chỉ mang lượng vừa đủ để tiện chi trả xăng xe, đồ ăn chốn ngủ và một số chi phí phụ. Nên có một thẻ ATM để đảm bảo an toàn và phòng khi cần viện trợ.

 

Quần áo


Tùy theo thời lượng chuyến đi và thời tiết vùng miền bạn dự định đến. Mang vừa đủ, chọn những bộ đồ gọn nhẹ, dễ giặt, dễ gấp và nhanh khô, nên mặc đồ thể thao để tiện di chuyển. Mang theo áo gió, đặc biệt khi phượt xe máy, nó có tác dụng cản gió giúp lái xe tỉnh táo.

Một chiếc khăn vải là cần thiết để chống gió táp vào mặt cũng như giúp bạn tránh say nắng khi đến những vùng đất khô hanh. Khăn tay nhỏ đa năng vừa thấm mồ hôi, vừa có tác dụng thay thế khăn mặt. Khẩu trang chống bụi.

Chăn du lịch, với đặc tính gọn, nhẹ, và đảm bảo giữ ấm cho toàn bộ cơ thể khi bạn ngủ, đang dần thay thế vị trí của các loại lều cồng kềnh.

 

Đồ vệ sinh cá nhân


Bàn chải, kem đánh răng, ca nhỏ, giấy đa năng... Những vật dụng này khá phổ biến trên thị trường với đủ kích cỡ và khối lượng dùng trong 4-5 ngày.

 

Thiết bị y tế

Túi cứu thương, đồ vật bạn không nên bỏ quên. Ảnh: Umo 

 

Túi cứu thương, đồ vật bạn không nên bỏ quên.


Bông, gạc, urgo đề phòng trầy xước khi leo núi. Mang theo thuốc cảm sốt, thuốc chống dị ứng và kem chống muỗi vì nhiệt độ các khu vực rừng núi ẩm ướt, là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật sinh trưởng và trú ngụ. Thuốc đau bụng là rất cần thiết vì bạn có thể dị ứng với đồ ăn lạ, nhất là ẩm thực của các dân tộc miền núi với những đồ ăn tươi sống hoặc để lâu ngày.

 

Đồ ăn


Nên dự trữ ít thức ăn khô, đồ ăn dùng ngay và gọn nhẹ để đề phòng như lương khô. Một số loại thức ăn giàu calo, protein như xúc xích gói. Bỏ túi mấy thanh chocolate hay kẹo ngọt là ý tưởng tuyệt vời để duy trì cơ thể khi mệt mỏi. Trái cây cũng là cách giúp bạn vừa bổ sung năng lượng vừa giữ nước cho cơ thể. Và hãy nhớ luôn mang theo nước bên mình để cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể.

 

Một số đồ dùng khác


Bật lửa, diêm, đèn phin dùng khi trời tối, mấy mét dây dù chắc chắc, dao gọt hoa quả, sạc điện thoại. Nên chọn loại sạc đa năng và phổ thông như sạc hai chân để phù hợp với cơ cấu ổ điện các vùng địa phương ở Việt Nam.

Áo mưa mỏng không thể thiếu trong hành trang của “phượt thủ” vì thời tiết một số vùng, đặc biệt vùng núi thường xảy ra mưa nắng thất thường. Áo mưa không chỉ có tác dụng che mưa cho bạn mà còn đảm bảo hành lý của bạn không bị thấm nước.

Thiếu máy ảnh thì chuyến đi của bạn chắc chắn sẽ không trọn vẹn. Hãy tậu cho mình một chiếc máy ảnh có cấu hình tốt và tuổi thọ pin cao để có thể thỏa sức lưu lại những khoảng khắc đáng nhớ, những bức tranh thiên nhiên độc đáo và những địa danh mà bạn đã in dấu chân.


 

 

Những thói quen cần tránh khi lái xe qua đèo

Đầu xuân năm mới, người người du xuân, nhà nhà trẩy hội. Những chuyến đi dài thường khó tránh những đoạn đường có xuất hiện đèo núi. Địa hình dốc trong thời tiết mưa phùn đầu năm, có thể sẽ khiến nhiều tài xế “non” kinh nghiệm gặp khó khăn.

 

Chỉ đến khi vụ một chiếc container “thổi bay” hơn chục người xuống vực tại Cao Bằng, hồi cuối năm Nhâm Thìn, nhiều lái xe có hoặc có ít kinh nghiệm đi đèo núi bỗng giật mình tự hỏi, liệu điều khiển xe cẩn trọng ở địa hình khuất tầm nhìn đã đủ an toàn?

Một chiếc xe tải trọng nặng hay xe đang chạy ở tốc độ cao khi đổ đèo, bất ngờ gặp đám đông cản đường sẽ rất khó tránh va chạm. Một trong những thói xấu của người Việt là hay túm tụm chỉ để “hóng” tai nạn của người khác, dẫn đến ách tắc giao thông và làm tăng nguy cơ mất an toàn, nhất là khi đang ở trên dốc.

Từ vụ tai nạn ở Cao Bằng hay trên đèo Bảo Lộc mới đây, có thể là lời cảnh báo cho mọi người, rút ra bài học để giảm thiểu những rủi ro trên hành trình đi hái lộc đầu năm.

Những kinh nghiệm lái xe trên đèo sau có thể có ích cho người điều khiển phòng tránh những tai nạn đáng tiếc. Bài viết được sự hỗ trợ từ một số thành viên trong câu lạc bộ offroad của diễn đàn Otofun.
 
Trước mỗi chuyến đi, nên tìm hiểu trước cung đường sẽ trải qua. Điều này sẽ giúp bạn có ý thức chuẩn bị các công cụ hỗ trợ cần thiết tương ứng với loại địa hình tương ứng.

Đừng ngại và dành thời gian kiểm tra toàn xe, đặc biệt là hệ thống phanh, lốp và đèn báo trước khi đi và chuẩn bị băng đèo.

Nên sử dụng đèn chiếu sáng liên tục khi đang vận hành xe trên đèo, kể cả vào ban ngày. Trong điều kiện thời tiết có sương mù hay mưa phùn, đừng quên sử dụng đèn gầm. Nếu tầm nhìn hạn chế và xe không được trang bị đèn sương mù, nên dán giấy nylon màu vàng/đỏ vào đèn, điều này sẽ có lợi bởi tầm quan sát rõ hơn.

Hầu hết các đèo ở Việt Nam đều có những góc cua gấp, mà tài xế sẽ không thể nhìn được chướng ngại vật trước mặt. Do vậy, tại những vị trí này, nên đi chậm kết hợp với bấm còi và nháy đèn pha để thông báo cho các phương tiện giao thông khác, kể cả khi đường có cắm gương cầu quan sát.

Sử dụng số phù hợp với độ dốc của đèo, nếu số thấp quá có thể sẽ làm động cơ bị quá nhiệt thì số cao quá dễ làm mất kiểm soát. Ra vào số theo nguyên tắc "lên già - xuống non", nghĩa là khi leo lên thì tăng số muộn hơn, còn khi đổ đèo thì về (xuống) số sớm hơn so với lúc điều khiển trên đường bằng. Cố gắng giữ máy vận hành ở số thấp và "lên số nào - xuống số đó".

Khi chạy ở nơi dốc núi, nhiều người có xu hướng sử dụng phanh liên tục để hãm tốc độ. Tuy nhiên, đây lại là thói quen và kỹ năng lái không có lợi cho xe. Rà phanh liên tục sẽ khiến má phanh nóng, dẫn tới mất ma sát, có thể cháy may-ơ và làm giảm tác dụng của phanh.

Để hãm tốc độ xe khi đổ đèo, nên chau dồi kỹ năng dùng số kết hợp với phanh. Phanh hoạt động tốt nhất sau khi đã về số hoặc phải giảm tốc độ khẩn cấp. Tuy nhiên, ngay cả khi phải dùng để giảm tốc độ cũng cần tránh phanh gấp, đặc biệt lúc xe đang vào góc nghiêng.

Tập trung điều khiển xe đi đúng làn đường cho phép, tránh lấn trái. Chỉ nên lấn làn tại những đoạn có kẻ sơn đường đứt đoạn và không có phương tiện đi ngược chiều. Hạn chế tối đa việc vượt xe cùng chiều khi leo đèo nhất là những xe có tải trọng lớn. Nếu có ý định vượt xe khác trên đèo, nên chọn đoạn đường có tầm quan sát rộng, vượt dứt khoát, vượt xong phải cho xe sớm trở lại phần đường của mình. Hạn chế vượt lúc vào cua, trừ những góc cua trái có tầm quan sát rộng.

Không nên bám sát xe phía trước, giữ khoảng cách an toàn và phòng trường hợp phanh gấp. Khi leo đèo quá dốc, toàn đá hoặc bùn trơn nên kiếm dây thừng quấn vào bánh xe để tăng độ ma sát. Cố gắng tránh tuyệt đối việc dừng xe ở những góc khuất trên đèo. Trong trường hợp bất khả kháng do xe hỏng, thì phải có biện pháp cảnh báo cho các xe khác ở trước khúc cua.

Khi đi đèo vào mùa mưa lũ, nên chú ý các đoạn đường vách núi cao. nếu có hiện tượng nước màu đỏ gạch chảy qua đường, thì nên lưu ý đoạn đường đó rất dễ bị sạt lở do đất đá đã no nước và dễ có hiện tượng lũ bùn.

Chú ý từ xa những bụi nhỏ, đá con rơi xuống từ vách núi, nếu các loại đá bụi này rơi từ vị trí càng cao càng nguy hiểm bởi đó là hiện tượng sạt lở, cây cối đổ, sạt ta-luy,... Trong những trường hợp này phải đi thật chậm để quan sát và nếu quá nguy hiểm thì nên quay đầu xe để giữ an toàn.

Đối với người đi đường, khi bắt gặp sự cố hoặc tai nạn trên đường, việc dừng lại hỗ trợ nạn nhân là cần thiết và hợp với đạo lý. Tuy nhiên, tuyệt đối không nên dừng xe đột ngột, cần từ từ giảm tốc độ rồi dừng xe để giúp các nạn nhân. Đừng bao giờ vô cảm bỏ mặc nạn nhận và đứng xem giữa đường.

Hãy để những chuyến đi du xuân luôn ngập tràn niềm vui bằng việc lái xe an toàn, chủ động trong mọi tình huống và tuyệt đối không sử dụng rượu bia trước và trên hành trình.
 

 

Những lưu ý khi “phượt” đầu năm bằng xe máy

Nếu “xách” xe máy lên đường “phượt” cùng bè bạn đầu năm, bạn nên chuẩn bị kĩ, giữ gìn sức khỏe, di chuyển tốc độ an toàn và chú ý điều kiện đường xá, thời tiết.

Chuẩn bị kĩ

Bên cạnh hành lý gồm quần áo, túi ngủ hay vật dụng, thuốc men, thức ăn, nước uống, bạn cần nhớ đến “chiến mã” vượt đường xa. Hãy chuẩn bị kĩ cho chiếc xe, siết lại ốc, kiểm tra lốp xe, bình ắc-quy để đảm bảo chiếc xe vận hành ổn định trên một đoạn đường dài. Nếu có thể, hãy mang xe đi bảo dưỡng và thay dầu trước khi khởi hành.

Kiểm tra kĩ hệ thống đèn pha, đèn xi-nhan, đèn báo phanh ở đuôi xe. Không có đèn, bạn sẽ gặp nhiều nguy hiểm nếu đi trong đêm tối.

Nhớ lắp gương chiếu hậu, ít nhất là gương chiếu hậu bên trái. Việc sử dụng gương chiếu hậu trên đường trường rất quan trọng, giúp bạn tránh nhiều nguy cơ tai nạn, do quan sát được xe đi từ phía sau.

Nếu lốp quá mòn, hay săm (ruột) xe vá đã nhiều lần, nên thay mới để đảm bảo an toàn khi di chuyển.

Chuẩn bị quần áo ấm, chắn gió, khăn, giày, găng tay cẩn thận. Những trang phục đi đường rất quan trọng để giúp bạn bảo vệ sức khỏe, đồng thời giảm thương tích nếu xảy ra va chạm.

Mũ bảo hiểm nhất thiết phải là loại đạt tiêu chuẩn an toàn, đủ cứng, nên dùng mũ bảo hiểm loại trùm đầu để đạt độ an toàn tối đa.

Nếu di chuyển trong đêm tối, hãy trang bị thêm những tấm dán phản quang ở phía sau lưng, đuôi xe để người đi xe sau có thể nhận diện.

Mang theo đồ sửa xe cơ bản, có thể là cả dụng cụ vá xe, bơm xe, bởi vùng miền núi phía Bắc người dân thường mở cửa rất muộn, nên cửa hàng sửa xe rất hiếm.

Di chuyển tốc độ an toàn, hợp lý
 
Hãy di chuyển với tốc độ cho phép trên đường, 60km/h trên đường ngoài đô thị và 40km/h trong khu vực đô thị. Đừng đi quá nhanh hay quá chậm! Nếu đi quá nhanh, bạn sẽ dễ mất kiểm soát tốc độ khi gặp sự cố. Nếu đi quá chậm, bạn sẽ liên tục bị xe ô tô vượt qua bên trái, chịu sức ép lớn và nhiều rủi ro hơn.

Tránh đi phía sau và sát đuôi xe tải lớn. Tại đường đồi núi, xe tải lớn chở nặng chỉ di chuyển với tốc độ rất chậm, từ 10 - 20 km/h, vì vậy hãy cảnh giác đừng bám sát đuôi. Những xe này nếu tuột dốc sẽ khiến bạn gặp nguy hiểm nếu bám đuôi quá gần. Hãy giữ khoảng cách hợp lý, quan sát phía trước và vượt khi có thể, chú ý không vượt ở khúc cua.

Nếu đi theo đoàn, hãy chọn người có kinh nghiệm dẫn đoàn, kiểm soát tốc độ và khoảng cách giữa các xe, luôn đảm bảo đoàn được an toàn khi vượt xe khác.

Luôn nhớ, hãy tuân thủ luật giao thông, sử dụng xi-nhan, đèn passing và còi để xin vượt; đi đúng tốc độ quy định, không vượt phải và không vượt tại các khúc cua.

Chú ý điều kiện đường xá, thời tiết

Nếu mặt đường không tốt, nhiều sỏi đá, hay trời mưa, đường trơn, hãy đi chậm lại và luôn làm chủ tốc độ.

Thời tiết mùa xuân của khu vực miền núi phía Bắc thường xuyên có mưa phùn, sương mù, khiến tầm nhìn hạn chế, đặc biệt với những người sử dụng kính, vì vậy cần giảm tốc độ hoặc dừng lại nghỉ ngơi nếu cảm thấy nguy hiểm.

Chú ý cột mốc ven đường để tránh lao xe xuống vực, hãy dừng lại nếu không thể quan sát đường.

Tốt nhất, bạn nên theo dõi tình hình dự báo thời tiết để tránh di chuyển trong thời tiết quá xấu, cập nhật thông tin về cung đường mình đi, có xảy ra sạt lở hay nguy hiểm không để đề phòng.

Giữ sức khỏe tốt

Hãy giữ cho mình sức khỏe tốt nhất trước hành trình dài bằng xe máy. Ăn uống đủ no trước khi lên đường, mang theo nước uống.

Không sử dụng rượu bia và các chất có cồn khác khi điều khiển xe máy.

Không nên lái xe liên tục quá lâu, nên nghỉ khoảng năm phút sau một giờ di chuyển, để tỉnh táo và thư giãn cơ thể, cho máy móc nghỉ ngơi.

Nếu buồn ngủ hay mệt, hãy dừng xe và nghỉ vài phút, sẽ an toàn hơn nhiều so với việc bạn gật gù khi điều khiển xe máy.